Căn bệnh ho nguy hiểm tái bùng phát ở Trung Quốc

Trung Quốc đã ghi nhận 13 người tử vong trong những tháng đầu năm 2023 vì sự quay trở lại của căn bệnh về đường hô hấp này.


Số ca mắc và tử vong do bệnh ho gà tại Trung Quốc gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm. Ảnh: Sina.
ho_ga_sina.jpg

ho_ga_sina.jpg
Số ca mắc và tử vong do bệnh ho gà tại Trung Quốc gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm. Ảnh: Sina.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, số ca mắc ho gà đang tăng đột biến ở xứ tỷ dân. Trong 2 tháng đầu năm nay, đã có 32.380 trường hợp mắc bệnh ho gà được báo cáo trên toàn Trung Quốc.
Chỉ tính riêng tháng 2, đã có 17.105 trường hợp mắc ho gà được ghi nhận, tăng gần 32 lần so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận tổng số ca mắc của cả năm 2023. Số ca tử vong do ho gà tại Trung Quốc đến nay là 13 người.
Đáng chú ý, số trường hợp tử vong vì ho gà trong 3 tháng đầu năm nay bằng với tổng số ca tử vong từ năm 2018 đến năm 2023 cộng lại. Sự tái xuất của bệnh ho gà hiện gây lo ngại tại Trung Quốc.
Bác sĩ Tề Lợi Công, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thâm Quyến, cho biết ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính về đường hô hấp do nhiễm Bordetella pertussis gây ra, có khả năng lây nhiễm cao.
Thời gian ủ bệnh của ho gà khoảng 2-21 ngày, diễn tiến bệnh kéo dài với biểu hiện điển hình là ho kéo dài 2-3 tháng.

ho ga o trung quoc anh 1
Ảnh minh họa vi khuẩn ho gà Bordetella ho gà trong đường thở của con người. Ảnh: Kateryna Kon/ Shutterstock.
Bệnh ho gà chủ yếu lây lan qua giọt bắn. Người nhiễm bệnh là nguồn lây nhiễm chính. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ hoặc những người xung quanh mắc bệnh ho gà là nguồn lây nhiễm.
Bệnh ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ miễn dịch kém hoặc chưa tiêm phòng vaccine ho gà sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ biến chứng và bệnh nặng càng cao, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Khởi đầu của bệnh ho gà giống như cảm lạnh thông thường. Người mắc bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Sau đó, người bệnh sẽ dần dần xuất hiện cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.
Các cơn ho này thường nhẹ hơn vào ban ngày và nặng hơn vào ban đêm. Bệnh ho gà có biểu hiện đặc trưng là cơn ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà. Cuối cơn ho, người bệnh thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt rồi nôn mửa.
Trường hợp bệnh nặng có thể gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là với trẻ sơ sinh.
Ho gà là bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Trẻ em nên được tiêm vaccine ho gà với mũi tiêm 1 vào 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
Người dân cũng cần duy trì thói quen vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên, giữ môi trường sống thông thoáng, che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, chú ý chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục phù hợp.
Ngoài ra, đeo khẩu trang cũng là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp và có thể làm giảm sự lây lan của mầm bệnh một cách hiệu quả ở nơi công cộng.
Nếu cha mẹ có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như ho nên đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tiếp xúc gần để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
 
Top