Osho: Hãy trở thành không ai cả

  • Tạo bởi Tạo bởi ntsu
  • Start date Start date
Làm sao lời có thể truyền được thông điệp vô lời? Có thể nói gì về thầy đã chứng ngộ? Tinh hoa của thông điệp vượt ra ngoài lời nói này là ngược đời, và Osho cùng Trang Tử yêu cầu chúng ta chấp nhận ngược đời, gạt tâm trí và logic sang một bên, và trở thành trống rỗng. Chỉ khi làm trống rỗng những ước định, ý tưởng và những trông đợi của chúng ta - bản ngã của chúng ta - chỉ thế thì chứng ngộ mới trở thành của riêng chúng ta.

Trang Tử hàng nghìn năm trước đây, và Osho ngày nay, hợp sức làm cho chúng ta thành không ai cả, thuyền rỗng, người có thể nhận được cái vô lời, cái vĩnh hằng họ là hiện thân.

Bạn hoài nghi tôi nhưng bạn chưa bao giờ hoài nghi chính mình, bởi vì một khi tâm trí bắt đầu hoài nghi chính nó thì nó đã bắt đầu đi ra khỏi sự tồn tại. Một khi việc tự hoài nghi nảy sinh, cơ sở đã bị tan vỡ, tâm trí đã mất tự tin của nó. Một khi bạn bắt đầu hoài nghi tâm trí, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ rơi vào trong vực thẳm của thiền.

Trong khi đọc Osho, phần lớn điều có thể làm là trở thành cảm nhận, để cho thông điệp không nói ra đó thấm nhuần vào toàn bộ lời nói.

Tôi nói, tôi có thể giúp bạn bởi vì tôi không phải là chuyên gia, tôi không phải là người ngoài. Tôi đã du hành trên cùng con đường này rồi… Tôi đã đi qua cùng con đường này rồi - cùng khổ, đau, cùng những ác mộng. Và bất kì cái gì tôi làm thì cũng không gì khác hơn ngoài việc thuyết phục bạn để bước ra khỏi cái điên khùng của mình.

Dù bạn đang ở đâu, tôi đã ở đó rồi, và dù tôi đang ở đâu, bạn cũng có thể tới đó. Nhìn vào tôi thật sâu sắc nhất đi, và cảm tôi thật sâu sắc đi, bởi vì tôi là tương lai của bạn, tôi là khả năng của bạn.

Bạn đã bao giờ thấy người đi trên dây chưa? Lần sau nếu bạn thấy, quan sát nhé. Bất kì khi nào người đi trên dây hơi nghiêng về bên trái, người đó lập tức lại phải ngả về bên phải để giữ cân bằng; và bất kì khi nào người đó cảm thấy mình hơi nghiêng quá nhiều về phía bên phải, người đó lại phải ngả một chút về phía bên trái.

Bạn phải đi sang phía đối lập để tạo cân bằng. Cho nên điều thường xảy ra là ông chủ sẽ trở thành nô lệ, nô lệ trở thành ông chủ; người sở hữu trở thành người bị sở hữu, người bị sở hữu trở thành người sở hữu. Sự việc cứ tiếp diễn như thế, nó là cân bằng tiếp diễn.

Bạn đã bao giờ quan sát điều ấy trong mối quan hệ của mình chưa? Nếu bạn là chồng, bạn có thực sự là chồng trong cả hai mươi bốn giờ không? Bạn chưa quan sát đấy thôi. Trong hai mươi bốn giờ thay đổi xảy ra ít nhất là hai mươi bốn lần - đôi khi vợ là chồng và chồng là vợ, đôi khi chồng lại trở lại thành chồng, vợ lại trở lại thành vợ.

Và điều này cứ thay đổi từ trái sang phải. Đấy là việc đi trên dây. Bạn phải giữ thăng bằng. Bạn không thể chi phối cả hai mươi bốn giờ được, bởi vì thế thì cân bằng sẽ mất và mối quan hệ sẽ bị phá huỷ.

Bất kì khi nào người đi trên dây đạt tới điểm giữa, không nghiêng bên phải và cũng chẳng nghiêng sang bên trái, rất khó cho bạn để có thể quan sát được chừng nào chính bản thân bạn chưa phải là người đi trên dây. Cách đi trên dây đã được sử dụng ở Tây Tạng như là một phương pháp thiền, bởi vì ở chính giữa tâm trí biến mất. Tâm trí đi vào sự tồn tại một lần nữa khi bạn nghiêng sang bên phải, thế thì tâm trí lại tới và đi vào sự hiện hữu và nói: “Cân bằng lại đi, nghiêng sang bên trái đi.”

Khi một vấn đề nảy sinh, tâm trí cũng nảy sinh. Khi không có vấn đề gì, làm sao tâm trí nảy sinh được? Khi bạn ở ngay chính điểm giữa, cân bằng hoàn toàn, thế thì không có tâm trí. Cân bằng có nghĩa là không có tâm trí.

Tôi đã từng nghe, một bà mẹ rất lo lắng về đứa con mình. Nó mới mười tuổi thôi nó chưa nói một lời nào. Mọi nỗ lực đã được thực hiện để tìm ra nguyên nhân, nhưng bác sĩ nói, “Chẳng có gì bất thường cả, trí não làm việc hoàn toàn tốt. Thân thể mạnh khoẻ, đứa trẻ lành mạnh, chẳng thể làm được cái gì. Nếu có gì đó không ổn thì mới phải làm điều gì đó.”

Nhưng nó vẫn chẳng nói gì cả. Thế rồi bỗng nhiên vào một buổi sáng đứa trẻ nói và nó nói, “Cái bánh này cháy quá.”

Bà mẹ không thể tin vào được điều đó. Bà ấy nhìn lại, bà ấy hoảng sợ và nói, “Cái gì thế, con nói đấy à? Con nói khá thế! Thế thì tại sao con im lặng mãi thế? Bố mẹ đã khuyên nhủ và cố gắng mãi con chẳng nói bao giờ cả.”

Đứa trẻ nói, “Chưa bao giờ có cái gì sai sót cả. Lần đầu tiên cái bánh mới bị cháy đấy chứ.”

Nếu không có gì sai sót tại sao bạn phải nói?

Người ta đến tôi và họ nói, “Thầy ngày nào cũng nói...” Tôi nói, “Ừ, bởi vì bao nhiêu người sai vẫn cứ tới đây và lắng nghe. Có quá nhiều cái sai đến mức tôi phải nói. Nếu chẳng có gì sai cả thì chẳng cần phải nói. Tôi nói bởi vì bạn, bởi vì cái bánh bị cháy.”

Bất kể khi nào bạn ở giữa, ở giữa các cực đoan hay là các cực, tâm trí biến mất. Thử điều ấy xem. Việc đi trên dây là một bài tập hay, và là một trong những phương pháp thiền rất tinh tế. Chẳng cần cái gì khác cả. Bạn có thể tự mình quan sát người đi trên dây, cách thức sự việc xảy ra.

Và nên nhớ lấy, trên cái dây ấy việc suy nghĩ dừng lại, bởi vì bạn đang trong tình trạng nguy hiểm đến thế. Bạn không thể nghĩ được, khoảnh khắc bạn nghĩ, bạn sẽ bị ngã. Người đi trên dây không thể nghĩ được, người đó phải tỉnh táo vào mọi khoảnh khắc. Giữ cân bằng phải được duy trì liên tục. Người đó không thể cảm thấy an toàn, người đó là không an toàn: người đó không thể cảm thấy yên tâm, người đó là không yên tâm. Nguy hiểm bao giờ cũng có đó - bất kì khoảnh khắc nào, chỉ một thoáng thay đổi cân bằng và người đó sẽ ngã... Và cái chết đang đợi đấy.

Nếu bạn đi trên dây, bạn sẽ đi tới cảm nhận được hai điều: suy nghĩ dừng lại bởi vì đang có nguy hiểm, và bất kì khi nào bạn thực sự đi tới điểm giữa, không bên phải chẳng bên trái, ngay chính điểm giữa, im lặng lớn choàng xuống bạn bạn không biết tới trước đây. Và điều này xảy ra theo đủ mọi cách. Toàn bộ cuộc sống chính là việc đi trên dây vậy.

Do đó Đạo là ham muốn còn ở chính giữa - không bị chi phối cũng không làm việc chi phối, không là chồng cũng chẳng là vợ, không là chủ cũng chẳng là tớ.



Cách để có được sự sáng tỏ cho sự lẫn lộn

và thoát khỏi sự buồn khổ

là sống với Đạo

trên mảnh đất của cái hư không


Ngay chính giữa, cánh cửa mở ra - mảnh đất của hư không. Khi bạn không có đó, toàn bộ thế giới biến mất, bởi vì thế giới treo bạn lên. Toàn bộ thế giới bạn đã tạo ra xung quanh mình đang treo bạn lên. Nếu bạn không có đó, toàn bộ thế giới sẽ biến mất.

Không phải là sự tồn tại sẽ đi vào không tồn tại đâu, không. Nhưng thế giới biến mất và sự tồn tại xuất hiện. Thế giới là bịa đặt của tâm trí; sự tồn tại là chân lý. Ngôi nhà này sẽ vẫn có đó, nhưng thế thì ngôi nhà này sẽ không phải là của bạn. Hoa vẫn có đó, nhưng hoa sẽ trở thành vô danh. Nó sẽ không đẹp cũng không xấu. Nó sẽ có đó, nhưng không khái niệm nào nảy sinh trong tâm trí bạn. Tất cả các khuôn khổ khái niệm đều biến mất. Sự tồn tại, trơ trụi, trần trụi, hồn nhiên còn lại đó trong cái thuần khiết của nó, sự tồn tại tựa tấm gương. Và tất cả những khái niệm, tất cả những tưởng tượng, tất cả những ước mơ, đều biến mất trong mảnh đất của cái hư không này.



Nếu một người đi thuyền qua sông

Và chiếc đò không vô tình trôi đụng phải,

Dù người có hẹp lòng đến đâu

Cũng không giận dữ bao giờ.

Nhưng nếu thấy người trên thuyền đó,

Thì đã thấy chủ đò giận dữ

La lối một lần bên thuyền chẳng nghe

Tất la lối đến hai lần,

Hai lần cũng chẳng ai nghe,

Tất la lối đến ba lần rồi buông lời chửi mắng,

Trước không giận nay giận là vì sao

Vì trước thì không có người nay lại có người.

Nếu như thuyền trống rỗng,

Người đó ắt chẳng la lối, cũng chẳng giận dữ


Nếu người ta đụng vào bạn và nếu người ta giận dữ với bạn, nhớ lấy,, họ không có lỗi đâu. Con thuyền của bạn không trống rỗng. Họ giận dữ bởi vì bạn có đấy. Nếu con thuyền là rỗng không, họ sẽ có vẻ ngu xuẩn, nếu họ giận dữ họ có vẻ ngu xuẩn.

Những người rất thân thiết với tôi đôi khi cũng giận tôi và họ trông ngu xuẩn làm sao! Nếu con thuyền là rỗng bạn thậm chí có thể tận hưởng giận dữ của người khác, bởi vì chẳng có ai để giận cả, họ không nhìn vào bạn. Cho nên nhớ lấy,, nếu người ta cứ đụng vào bạn, bạn nữa cũng quá cứng như một bức tường. Là cánh cửa đi, trở thành trống rỗng đi, để cho họ đi qua.

Thậm chí đôi khi mọi người sẽ giận dữ - họ thậm chí giận dữ cả với vị phật. Bởi vì có những người ngu xuẩn, những người nếu thuyền của họ đụng vào một chiếc thuyền rỗng, họ cũng không nhìn để xem liệu có ai ở trong đấy hay không. Họ sẽ bắt đầu la lối; họ sẽ bắt đầu làm lộn xộn bên trong bản thân họ đến mức họ sẽ không thể nào thấy được liệu có ai ở trong đó hay không.

Nhưng cho dù có thế thì chiếc thuyền rỗng vẫn có thể tận hưởng được điều đó bởi vì thế thì cơn giận sẽ chẳng bao giờ chạm vào bạn được; bạn không có đó, vậy thì nó có thể chạm vào ai được?

Biểu tượng này về chiếc thuyền trống rỗng thực sự là đẹp đẽ. Mọi người giận dữ bởi vì bạn quá nhiều ở đấy, bởi vì bạn quá nặng ở đấy - quá cứng rắn đến mức họ không thể đi qua được. Và cuộc sống thì bao giờ cũng xoắn xuýt với mọi người. Nếu bạn quá nhiều, thế thì ở mọi nơi đều sẽ có đụng độ, đều có giận dữ, đều có chán nản, đều có hùng hổ, bạo hành - xung đột tiếp tục.

Bất kì khi nào bạn cảm thấy rằng một ai đó đang giận dữ hoặc người nào đó đã va chạm vào bạn, bạn bao giờ cũng nghĩ rằng người đó có trách nhiệm. Đây chính là cách người dốt nát kết luận, diễn giải. Người dốt nát bao giờ cũng nói, “Người khác phải chịu trách nhiệm.” Người trí huệ bao giờ cũng nói, “Nếu ai đó chịu trách nhiệm, thế thì tôi là người chịu trách nhiệm, và cách duy nhất để không đụng chạm là không có đấy.”

“Tôi là người chịu trách nhiệm” không có nghĩa là “Tôi đang làm điều gì đó, đó là lí do tại sao họ giận.” Đấy không phải là vấn đề. Bạn có thể chẳng làm bất kì điều gì, nhưng chỉ bởi sự hiện hữu của bạn cũng đủ cho người khác trở nên giận dữ. Vấn đề không phải là liệu bạn đang làm việc tốt hay việc xấu. Vấn đề là ở chỗ bạn có đấy.

Đây là khác biệt giữa Đạo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác nói: Làm điều tốt, hành xử theo cách không ai có thể giận được bạn. Đạo nói: đừng hiện hữu.
 
Top