Phủ xanh đô thị với phương pháp trồng rừng Miyawaki

Với kỹ thuật trồng rừng Miyawaki, từ một vùng đất không có thảm thực vật, chỉ khoảng sau 2 thập kỷ sẽ có thể lột xác thành khu rừng nguyên sinh với những cây cao đến 20m.



Quá trình khai thác đô thị diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Với mong ước khôi phục những cánh rừng xanh ngay tại các khu đô thị, nhà sinh thái học thực vật nổi tiếng người Nhật - Miyawaki Akira đã tìm ra một phương pháp trồng rừng đầy sáng tạo và hiệu quả.

trồng rừng theo phương pháp Miyawaki

Trồng rừng đô thị theo kỹ thuật Miyawaki. Ảnh: Nippon


Phương pháp Miyawaki với cách tiếp cận đột phá trong trồng rừng đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu bởi khả năng kiến tạo nhanh chóng những thành phố “xanh”. Phương pháp này mô phỏng các chu trình tự nhiên để tạo lập nên hệ sinh thái rừng đa dạng, từ đó giúp tái lập những khu rừng nguyên sinh chỉ trong vòng vài thập kỷ.

Hiện nay, Nhật Bản đang ghi nhận diện tích đất rừng tăng lên, là kết quả của công tác quản lý chặt chẽ cùng với việc những khu rừng thứ sinh ở các cộng đồng nông nghiệp bị bỏ lại có cơ hội phát triển rậm rạp khi dân số tại nông thôn giảm dần. Mặc khác, không gian xanh ở các thành phố vẫn tiếp tục suy giảm khi đô thị được mở rộng. Lúc này, chính phương pháp trồng rừng Miyawaki đã trở thành cứu cánh cho nhiều thành phố ở Nhật Bản.

"Cha đẻ" của phương pháp trồng rừng Miyawaki​

Từng là Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Yokohama, cựu Chủ tịch Hiệp hội Sinh thái quốc tế, ông Miyawaki Akira vẫn luôn kiên định ủng hộ việc khôi phục rừng bản địa cho các khu vực đô thị tận đến khi ông qua đời vào tháng 07/2021, hưởng thọ 93 tuổi.

Miyawaki Akira

Ông Miyawaki Akira, cha đẻ của phương pháp trồng rừng đô thị Miyawaki. Ảnh: afforestt.com
Ông phát triển phương pháp trồng rừng đô thị dựa trên dữ liệu nghiên cứu "khổng lồ" về thực vật tại Nhật Bản và những nơi khác, về sau được tổng hợp thành bộ sách "Nihon Shokusei shi" (Thực vật Nhật Bản) gồm 10 tập.

Nhà sinh thái học Miyawaki áp dụng phương pháp của mình lần đầu tiên vào năm 1972 để trồng một khu rừng tại nhà máy của Tập đoàn thép Nippon ở tỉnh Oita. Sau đó, phương pháp này đã được ứng dụng ở nhiều nơi khác trên khắp nước Nhật.

Sau dự án mở màn này, Miyawaki đã xuất bản một tài liệu có tầm ảnh hưởng lớn vào năm 1974 cho những cơ sở giáo dục tại Nhật Bản, phác thảo nên cách tiếp cận của ông là tập trung vào khôi phục các khu rừng nguyên sinh.

trồng rừng theo phương pháp Miyawaki 1

Các em nhỏ cũng có thể tham gia vào dự án trồng rừng Miyawaki. Ảnh: abmori.com
Tiếp đó, vào năm 1976, ông mang phương pháp này để tạo nên một khu rừng khác nằm trong khuôn viên Đại học Quốc gia Yokohama, tỉnh Kanagawa. Địa điểm trồng rừng ở trường Đại học này là một bờ kè rộng 2-3m bị các loài cỏ dại xâm lấn. Theo phương pháp của Miyawaki, một lớp đất được phủ lên và nhiều loại cây được trồng như cây dẻ gai, cây quế và cây sồi. Sau 3 năm, các cây đã vươn lên đạt chiều cao 3m. Và sau một thập kỷ, chúng đã cao đến 10m.

các bước trồng rừng ở đại học Yokohama

Quá trình trồng rừng Miyawaki ở Đại học Quốc gia Yokohama. Ảnh: Nippon
Ngay từ khi bắt đầu thành hình, kỹ thuật trồng rừng của Miyawaki đã được nhiều chuyên gia tại Nhật và nước ngoài đặc biệt quan tâm. Họ nghiên cứu và trình bày những kết quả mà phương pháp này thu được trên sách báo và nhiều ấn phẩm khác, xây dựng nên nguồn tài liệu dồi dào.

Gần đây, một báo cáo về phương pháp Miyawaki cũng đã được công bố bởi Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản về Nghiên cứu sinh thái quốc tế, nơi ông Miyawaki từng đảm nhiệm vị trí giám đốc trong nhiều năm liền.

Nửa thế kỷ trôi qua, phương pháp của Miyawaki đã được áp dụng trên toàn cầu. Tính đến nay, có 900 dự án ở Nhật Bản sử dụng kỹ thuật này, bao gồm dự án tái lập rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011, cũng như hơn 300 nỗ lực trồng rừng ở những vùng xa xôi như Đông Nam Á, Amazon, Chile và Trung Quốc.

Trồng rừng nhanh chóng nhờ kỹ thuật Miyawaki​

Phương pháp Miyawaki tiên phong trong việc sử dụng số lượng lớn các loài bản địa và trồng cây với mật độ dày đặc. Điều này mô phỏng sự phân bố tự nhiên của các loài thực vật trong rừng nguyên sinh, cho phép các quần xã sinh vật phát triển và sinh trưởng nhanh hơn so với trồng rừng truyền thống. Dưới đây là các bước chính trong phương pháp Miyawaki.

Chọn các loài bản địa​

Cốt lõi của kỹ thuật Miyawaki là quá trình chọn lọc các loài bản địa thích hợp nhất cho hệ sinh thái địa phương.

Trong hầu hết các trường hợp, chính quyền thành phố sẽ cần đến nhiều nơi để xác định loài thực vật bản địa, chẳng hạn khảo sát những cây cổ thụ khổng lồ tại các khu rừng thiêng (Chinju no Mori) ở đền thờ. Hoặc tìm kiếm từ rừng thứ sinh ở vùng nông thôn, nơi ghi nhận sự phát triển trở lại của các loài cây thường xanh lá rộng như sồi bản địa và cây dẻ gai.

rừng thiêng Chinju-no-mori

Rừng thiêng Chinju no Mori. Ảnh: ies.bio
Tuy nhiên, sự khác biệt trong điều kiện thời tiết, địa hình và thổ nhưỡng tại khu vực khảo sát và nơi trồng rừng cần phải được xem xét kỹ lưỡng lúc chọn giống cây, cũng như cần đảm bảo sự đa dạng của thực vật bản địa tới 40 loài để tạo ra các tầng rừng khác nhau.

Lựa chọn hạt giống​

Một khía cạnh khác cũng quan trọng không kém trong phương pháp Miyawaki chính là tập trung lưu trữ những giống bản địa. Thay vì đặt mua cây con ở những vườn ươm xa xôi, cây nên được trồng bằng hạt giống thu thập từ cây trưởng thành ở gần địa điểm khôi phục rừng nguyên sinh.

Những cây cổ thụ thuộc giống cây quế, dẻ gai và sồi có rất nhiều ở vùng nông thôn và là nguồn hạt giống tuyệt vời để khai thác. Đừng quên hợp tác với những vườn ươm địa phương. Tuy vậy, cần có hướng dẫn nghiêm ngặt để ngăn chặn việc vô tình du nhập các loài có quan hệ họ hàng tại cùng một địa điểm, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn về mặt di truyền của một khu rừng.

Trồng cây con​

Ngay khi các hạt giống được thu thập, chúng cần được đặt trong các khay để nảy mầm. Sau đó, những mầm non này được chuyển sang chậu nhựa và chăm sóc cho đến khi đạt kích thước có thể đem trồng.

trồng cây con

Các công đoạn trồng cây con. Ảnh: Nippon
Khi trồng một khu rừng theo phương pháp Miyawaki, lựa chọn cây con có bọc rễ khỏe mạnh là vô cùng cần thiết bởi chúng sẽ có cơ hội sống sót cao hơn và nhanh chóng phát triển thành cây trưởng thành.

Để chuẩn bị số lượng cây con cần thiết, có hai lựa chính dành cho người trồng. Thứ nhất, các nhà quy hoạch có thể làm việc với vườn ươm địa phương để mua hoặc trồng cây con; thứ hai là phối hợp với những nhóm trồng các giống cây khác nhau như một nỗ lực nâng cao nhận thức về môi trường. Các cá nhân có thể tự mình tham gia trồng một lượng cây con nhỏ tùy vào khả năng của bản thân. Sau đó, dùng túi lưới đựng cây con để chuyển đến địa điểm trồng rừng.

Tổ chức “lễ hội trồng rừng”​

Việc trồng cây trên các bờ kè đã được gia cố giúp làm giàu và bảo vệ đất, cũng như trữ nước. Khu vực trồng cây được chia thành các ô có diện tích 1m2 và trên đó trồng từ ba loại cây khác nhau. Thông thường các cây con ba năm tuổi cao khoảng 50cm sẽ được trồng.

Quá trình trồng cây khá đơn giản, chủ yếu gồm công đoạn đào hố bằng xẻng rồi đặt cây con vào, nên rất dễ phối hợp nhịp nhàng theo nhóm.

trồng rừng ở bờ kè

Trồng rừng Miyawaki ở bờ đê. Ảnh: Nippon
Với các dự án trồng rừng lớn, người điều hành có thể tổ chức như một hoạt động của địa phương để nâng cao nhận thức về môi trường với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên trong vùng.

Điển hình như tại một lễ hội trồng cây để khôi phục rừng ven biển bị phá hủy bởi sóng thần ở Iwanuma, tỉnh Miyagi, 10.000 tình nguyện viên đã cùng nhau trồng 100.000 cây con trong một ngày trên khu đất rộng 50mx100m.

Các sự kiện trồng rừng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường và rất thích hợp với trẻ nhỏ, giúp các em bắt đầu quan tâm đến những dự án tương tự. Đây cũng là dịp gặp gỡ của những người có cùng mục tiêu trồng rừng.

Những khu rừng trẻ​

Ngay khi được trồng, cây con mọc san sát nhau sẽ cạnh tranh với các cây gần bên để giành lấy tài nguyên sẵn có, thúc đẩy chúng phát triển nhanh chóng.

Một địa điểm mới được trồng cần được chăm sóc kỹ lưỡng trong vài năm đầu, bao gồm thường xuyên tưới nước và phủ thêm một lớp rơm rạ để kiểm soát cỏ dại.

rừng Miyawaki ở nhà máy nhiệt điện Higashi-Ogishima

Rừng Miyawaki tại nhà máy nhiệt điện Higashi-Ogishima của Công ty Điện lực Tokyo tại tỉnh Kanagawa đã phát triển rậm rạp kể từ khi được trồng vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Ảnh: Nippon
Sau 3-5 năm, khu rừng sẽ tự mình phát triển khi các cây đạt đến kích thước có thể ngăn ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp xuống mặt đất. Lúc này, các hoạt động can thiệp của con người như ngăn cỏ dại là không cần thiết.

Rừng Miyawaki sẽ phát triển rất nhanh và cao thêm 1m mỗi năm. Chỉ trong vòng một thập kỷ, từ một khu vực không có thực vật sẽ biến thành khu rừng nguyên sinh với các cây cao đến 10m. Và trong thập kỷ tiếp theo, rừng có thể phát triển toàn diện với các thảm thực vật bản địa xâm chiếm các tầng rừng khác nhau, bao gồm những tán cây cao 20m trở lên hướng lên bầu trời.
 

Bất ngờ với kết quả trồng rừng theo phương pháp Miyawaki ở Nhật Bản​

“Từ những cây nhỏ thành dàn lính canh chỉ trong vài năm thay vì cả thế kỷ” là tít bài báo mà Hannah Lewis say sưa đọc. Bài viết được đăng trên tờ báo Pháp với nội dung xoay quanh tổ chức môi trường có tên MiniBigForest tạo một diện tích nhỏ trồng dày đặc các loài cây bản địa tại Nantes.​

Chú thích ảnh
Hàng trăm tình nguyện viên đã trồng cây con trên sườn núi Tsukuba theo phương pháp Miyawaki. Ảnh: japantimes
Những cây con này sẽ nhanh chóng trở thành rừng cây bảo vệ người dân khỏi tiếng ồn và ô nhiễm khi lưu lượng xe cộ tăng lên. Hannah Lewis nhận thấy phương pháp trồng rừng có tên Miyawaki này chính là câu trả lời cho điều cô tìm kiếm bấy lâu.
Lewis - nhà nghiên cứu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Biodiversity for a Livable Climate có trụ sở tại Mỹ - đã liên lạc với MiniBigForest và đề xuất ý tưởng tương tự tại xã Roscoff thuộc vùng Bretagne (Pháp). Khu rừng nhỏ mới được trồng vào tháng 12/2021 này và quá trình biến nó thành hiện thực đã trở thành hạt giống cho cuốn sách của Lewis có tiêu đề “Cuộc cách mạng rừng nhỏ: Sử dụng phương pháp Miyawaki để nhanh chóng tái hoang dã thế giới” xuất bản tháng 6/2022. Cuốn sách giới thiệu các dự án tái trồng rừng tương tự ở những quốc gia khác và phần hướng dẫn cách thực hiện để các cá nhân và cộng đồng của họ có thể tự trồng rừng.
“Mọi người đều nhận thức được rằng chúng ta có vấn đề lớn nhưng họ chưa biết rõ bản thân có thể làm điều gì để tạo khác biệt. Mọi người trên khắp thế giới nhận ra rằng phương pháp này là một hướng đi tốt”, cô Lewis nhận xét.
Ý tưởng xanh
Chú thích ảnh
Với phương pháp Miyawaki, những cây nhỏ có thể phát triển mạnh mẽ thành khu rừng nhỏ chỉ trong vài năm. Ảnh: japantimes
Cố giáo sư Akira Miyawaki tại Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) đã hình thành phương pháp trồng rừng này vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Phương pháp Miyawaki khuyến khích trồng dày đặc, ngẫu nhiên các loại cây bản địa và cây bụi đa dạng để chống lại nạn phá rừng. Việc trồng phối hợp từ 10 đến 30 loài cây khác nhau được điều chỉnh phù hợp với khí hậu và địa chất cụ thể của khu vực đồng thời tạo ra một khu rừng ở giai đoạn trưởng thành hoặc cao đỉnh, có năng lực tồn tại ở bất kỳ đâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm.
Cây con, được chọn ngẫu nhiên từ hỗn hợp các loài. Cứ một mét vuông sẽ có 3 cây được trồng và sau đó chúng được phủ rơm rạ hoặc vật liệu tự nhiên sẵn có khác tại địa phương để ngăn chặn cỏ dại và duy trì độ ẩm của đất. Sau ba năm đầu tiên làm cỏ và tưới nước, một khu rừng Miyawaki có thể tự duy trì với những cây có khả năng phát triển trung bình một mét mỗi năm. Kết quả thu được sau vài thập niên là một khu rừng mà thông thường trong tự nhiên phải mất hàng trăm năm để phát triển.
Những khu vực dày đặc các loài đa dạng, được bố trí ngẫu nhiên không chỉ là đặc điểm của phương pháp Miyawaki mà còn của các khu rừng tự nhiên trưởng thành. Khu hỗn hợp các loại cây xen kẽ sát nhau khuyến khích thực vật cạnh tranh và hợp tác khi chúng tạo ra một mạng lưới sự sống trên và dưới mặt đất.
Giáo sư về hưu của trường đại học quốc gia Yokohama – ông Kazue Fujiwara lập luận: “Các loài cây có chiến lược phát triển khác nhau. Ví dụ, một cây sồi thường xanh có thể cao đến 20 hoặc 25 mét và có rễ chính rất sâu. Trong khi đó, hoa trà là một loại cây tầng dưới trong khu rừng cao đỉnh. Hoa trà có hệ thống rễ nông hơn lan rộng và tạo điều kiện cho nó cùng tồn tại với những cây lớn. Hệ thống rễ nông và sâu này tạo thành một mạng lưới ổn định đất và duy trì mực nước”.
Khả năng giữ nước và ổn định đất khiến rừng Miyawaki trở nên lý tưởng cho các sườn dốc có nguy cơ sạt lở do nạn phá rừng hoặc nơi độc canh chiếm ưu thế. Ông Fujiwara đã hợp tác với Hiệp hội Bồi dưỡng Hành tinh Xanh để trồng lại các sườn dốc phía sau Đền Tsukuba ở tỉnh Ibaraki vốn đang được thống trị bởi cây bách và tuyết tùng. Một cảnh tượng phổ biến trên các sườn núi ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản, những loài này được trồng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai để bán làm vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, luật thương mại thay đổi và vật liệu xây dựng hiện đại khiến gỗ nội địa trở nên quá đắt đỏ. Trong bối cảnh đó, cây tuyết tùng và bách mọc quá nhiều, vượt mức phát triển thông thường trong tự nhiên. Ngày nay, nhiều nơi tại Nhật Bản phải hứng chịu tác động sinh thái từ việc quản lý rừng yếu kém này.
Ông Fujiwara nói: “Tuyết tùng và bách là những cây rễ nông, do đó rừng thương mại thường yếu đuối khi đối mặt với gió mạnh và mưa lớn. Loại rừng này được khai thác sau 45 năm trồng, điều này đồng nghĩa không còn thứ gì khác mọc lên ở dưới. Nếu bổ sung thêm cây lá rộng, cây và đất sẽ giữ nước tốt hơn từ đó hình thành một khu rừng khỏe mạnh”.
Những khu rừng nhỏ
Chú thích ảnh
Chỉ sau 4 năm, những cây xanh này đã phát triển trưởng thành. Ảnh: japantimes
Kể từ năm 2007, giám đốc Hiệp hội Bồi dưỡng Hành tinh Xanh Ayako Ishimura cùng các tình nguyện viên của tổ chức này đã trồng cây con của các loài bản địa từ hạt giống được thu lượm quanh khu vực Đền Tsukuba. Cây con chỉ được trồng cho đến khi chúng 3 tuổi cứng cáp.
Vào tháng 6/2022, đã có 300 người đã tập trung tại Đền Tsukuba để trồng và phủ 1.000 cây con trên khu đất rộng khoảng 500 mét vuông. Trong khi những cây con gần như không cao quá đầu gối của các tình nguyện viên thì những cây được trồng bốn năm trước ở một địa điểm gần đó đã cao hơn 8 mét. Chúng nằm giữa những cây tuyết tùng và cây bách thẳng tắp, vỏ màu đỏ.
Trưởng giáo sĩ Kiyokazu Kusayama Đền Izumo Taisha Sagamibushi tại Hadano, tỉnh Kanagawa cũng tin tưởng phương pháp Miyawaki. Năm 2007, giáo sĩ Kusayama cùng 200 tình nguyện viên đã trồng khu rừng Miyawaki đầu tiên dọc phía Tây ngôi Đền Izumo Taisha Sagamibushi. Khu rừng 3.000 mét vuông đóng vai trò như một vùng đệm giữa ngôi đền và con đường tấp nập xe cộ, chỗ đường sắt giao nhau. 17 năm sau đó, hơn 30 loại cây khác nhau mọc lên, có cây cao gần 20 mét.
Đối với ông Kusayama, mỗi cây được trồng sẽ khôi phục và làm sâu sắc thêm mối liên hệ giữa cộng đồng địa phương với thiên nhiên. Ông chia sẻ: “Khi mọi người chung tay trồng rừng, họ nhận ra tầm quan trọng của cây cối và quan tâm hơn đến môi trường”.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Japan Times)
 
Trung quốc có dự án trồng cây trên sa mạc, sử dụng phương pháp này. Thành công đấy. Là cây sống được và tăng trưởng. Dọc theo đường xuyên sa mạc 550km.
 
Nếu phương pháp có thể hiệu quả trong việc trồng cây trên nền xi măng thì chúng ta bàn tiếp, ko thì, kệ mẹ nó, tao tiếp tục chặt cây ... :doubt:

 
Ai cũng biết lợi ích của trồng cây, nhưng đéo ai chịu làm
Chú phỉnh phải giao chỉ tiêu trên đầu người số cây trồng, rồi chấm điểm công dân mới được
 
Top